Trận đánh không tưởng của “quỷ vương” Nhật: 3.000 quân dẹp tan 4 vạn

Đối đầu với kẻ địch đông gấp 10 lần, lãnh chúa Nhật Bản Oda Nobunaga không hề nao núng, trái lại còn để lại trận đánh đi vào lịch sử thế giới.

Phác họa hình tượng nhân vật Oda Nobunaga trong lịch sử Nhật Bản.

Oda Nobunaga là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử Nhật Bản. Ông là người có công chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài khắp nước Nhật, nhưng lại mang tiếng xấu “quỷ vương” cho đến tận ngày nay. Mời độc giả cùng tìm hiểu về nhân vật được cho là sánh ngang với Tần Thủy Hoàng qua loạt bài này.

Theo History, trận Okehazama diễn ra vào tháng 6.1560 là trận đánh làm nên tên tuổi lãnh chúa Oda Nobunaga và là một trong những cuộc đồi đầu kịch tính nhất trong lịch sử thế giới.

Người phương Tây thường nhắc đến cụm từ “người tí hon David và gã khổng lồ Goliath” khi nhắc đến trận đại chiến này ở thời Chiến quốc Nhật Bản.

Sau khi trở thành người thống lĩnh gia tộc Oda ở tỉnh Owari, Nobunaga bắt đầu muốn mở rộng quyền lực ra bên ngoài, đe dọa đến lợi ích của các lãnh chúa khác.

Nobunaga khi đó nổi tiếng là người thẳng tay tàn sát kẻ thù và ông cũng gây thù chuốc oán với không ít người. Nổi lên trong số đó là Imagawa Yoshimoto, lãnh chúa ở tỉnh Surugu láng giềng. Gia tộc Imagawa ngày càng hùng mạnh khi liên minh với nhà Takeda, đặt mục tiêu đánh chiếm kinh đô Kyoto.

Nhưng để làm được điều đó, Yoshimoto phải đem quân vượt qua lãnh địa của Oda Nobunaga.

Thử thách lớn đầu tiên

Trước cuộc đại chiến năm 1560, Yoshimoto đã tập hợp được đạo quân đông đảo, ước tính lên tới 35.000 người, bao gồm cả samurai và binh sĩ của các gia tộc trong liên minh.

Từ đó, Yoshimoto đem đại quân thẳng tiến và phía tây, hướng đến kinh đô Kyoto. Lãnh chúa nhà Imagawa không những không xin ý kiến Nobunaga khi đưa quân vào Owari mà còn đánh chiếm nhiều thành trì của tỉnh này.

Yoshimoto tin rằng quân Nobunaga sẽ không dám chống trả nên quyết chiếm luôn cả thủ phủ của tỉnh Owari, nơi Nobunaga đang ở.

Theo sử sách Nhật Bản, Nobunaga khi đó chỉ chiêu mộ được khoảng 3.000 binh sĩ, bao gồm cả những cận vệ của ông. Trong khi đó, tin mật báo nói đại quân của Imagawa lên tới hơn 40.000 người.

Oda Nobunaga (trái) dẫn quân đánh tan kẻ địch.

Trong khi đó, các tướng lĩnh dưới quyền Nobunaga nghe tin quân địch đông đảo đã vô vùng hốt hoảng.

Có người muốn lãnh chúa cố thủ trong thành, với hy vọng sẽ khiến quân địch nản chí. Người khác lại cho rằng nên đầu hàng vì đối đầu với lực lượng chênh lệch như vậy là tự sát.

“Imagawa có 40.000 hay 35.000 quân không quan trọng. Đó là một con số rất lớn so với thực lực của chúng ta”, Nobunaga nói với các tướng lĩnh.

“Nhưng mọi người muốn ta đầu hàng, để rồi chết một cách hèn nhát như vậy? Hay cố thủ trong thành để hy vọng một ngày nào đó Imagawa sẽ chán nản rồi tự rút lui?”.

“Chúng ta có thể sống thêm được 5-10 ngày, nhưng điều rõ ràng là chúng ta không thể cố thủ trong thành mãi được. Đây là cơ hội của cả đời người. Mọi người muốn ngồi đây và cầu nguyện được sống lâu sao? Chúng ta sinh ra là để chết đi”.

Nói rồi, Oda Nobunaga quyết tâm đánh một trận lịch sử với nhà Imagawa. Ông nói ai tình nguyện chiến đấu thì sáng mai xuất quân, còn nếu không, hãy ở bất cứ đâu có thể và chứng kiến cảnh ông chiến thắng trở về.

Trận đánh 1 đấu 10 lịch sử

Ngày 11.6.1560, đạo quân của Nobunaga đến thắp hương tại đền thờ Zenshǒ-ji. Ông nhận được tin báo quân của Yoshimoto hạ trại tại khu vực gần ngôi làng Okehazama.

Nobunaga nắm rõ địa hình và ông đã lựa chọn khu vực này làm nơi đánh một trận quyết định.

Trước trận đại chiến, Nobunaga dàn quân, cho người cầm theo nhiều khẩu hiệu để khiến quân địch nghĩ là ông có lực lượng đông đảo. Ông còn ra lệnh đặt những bù nhìn rơm đeo nón và cầm vũ khí, khiến đạo quân của Nobunaga nhìn từ xa trông đông đảo gấp nhiều lần.

Nobunaga cũng để lại vài trăm lính giữ trại, như thể ông vẫn còn giữ quân chủ lực ở phía sau.

Chỉ còn khoảng  2.000 lính, Nobunaga âm thầm áp sát nơi đạo quân Imagawa hạ trại ở bên cánh. Đó là một buổi trưa hè nắng nóng như đổ lửa ở Nhật Bản. Nhiệt độ có thể lên tới 30 độ C và độ ẩm cao. Đa số samurai nhà Imagawa trú ẩn trong lều nhằm duy trì thể trạng tốt nhất

Quân Oda đánh úp khi kẻ địch còn không kịp phòng bị.

Một số chiến binh còn ngạo mạn, không ngừng uống rượu sake ngay giữa ban ngày.

Có một điểm may mắn với Nobunaga là khi đó trời bất ngờ có bão lớn, khiến quân Nobunaga có thêm cơ hội tiến sát doanh trại chủ tướng địch.

Sau khi xác định có Imagawa ở trong lều cùng các lướng lĩnh cấp cao, Nobunaga ra lệnh tấn công. Các binh sĩ nhà Imagawa không kịp phòng bị nên bị tiêu diệt hoặc quỳ gối đầu hàng.

Bản thân Imagawa Yoshimoto nghe thấy tiếng ồn nên bước ra ngoài, quát mắng đám lính samurai của Nobunaga vì khiến ông tỉnh giấc. Nhưng rồi Yoshimoto nhận ra đó không phải lính của mình.

Lãnh chúa nhà Imagawa chỉ kịp đỡ được đòn tấn công đầu tiên trước khi bị chặt đầu chỉ bằng một nhát chém.

Trận đánh kéo dài chưa đầy một giờ đồng hồ thì kết thúc. Yoshimoto mất mạng cùng một vài tướng lĩnh khác. Những người còn lại sau khi lắng nghe Nobunaga, đã quyết định gia nhập nhà Oda.

Có nguồn tin nói vợ con của họ đều nằm trong tay quân Nobunaga nên họ không còn cách nào khác là quy hàng để bảo vệ gia đình. Một trong những danh tướng nổi bật nhất đầu hàng là Matsudaira Motoyasu.

Motoyasu sau này đổi tên thành Tokugawa Ieyasu, trung thành với nhà Oda đến khi Nobunaga qua đời. Ông lập ra nhà Tokugawa, trị vì nước Nhật trong suốt 268 năm, đến thời Minh Trị Duy tân năm 1868.

Tuy thành công lớn trong trận đánh úp nhà Imagawa nhưng Nobunaga không phải là người dùng mãi một chiến thuật. Trong những trận đánh sau này, quân Oda còn đông hơn địch gấp nhiều lần.

Nobunaga cũng không đánh chớp nhoáng nữa mà chủ trương bao vây, cho đến khi quân địch mất hết nhuệ khí chiến đấu.

Bài sau Bài tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *