Đa dạng ngành nghề, lĩnh vực
Trong thời gian tới, nhiều thương vụ thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ diễn ra, điển hình như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp tục thoái 3,3% vốn tại Vinamilk trong tháng 10.
Theo chuyên viên phân tích Jonathan Seow tại Ngân hàng đầu tư CIMB (Singapore), nhiều khả năng Công ty Fraser & Neave của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ tiếp tục tham gia các đợt đấu giá này. Nhà đầu tư Thái Lan này hiện đang sở hữu 18,74% cổ phần tại Vinamilk.’
“Tập đoàn Thai Beverage nhiều khả năng sẽ thông qua công ty con là Fraser & Neave để tăng dần mức sở hữu của mình tại Vinamilk. Do Thai Beverage muốn mua một khối lượng lớn cổ phần nên việc tham gia đấu giá của SCIC sẽ có lợi hơn mua cổ phiếu trên sàn”, Jonathan Seow nhận định trong báo cáo mới đây.
Tương tự, ThaiBev cũng sẽ là một cái tên đáng gờm trong đợt thoái vốn của Bộ Công thương tại Sabeco trong tháng 10 hoặc tháng 11 tới. Tỷ phú Charoen đã sớm “đánh tiếng” muốn sở hữu một nửa cổ phần của Sabeco từ 3 năm trước và gần đây Tập đoàn đã nhắc lại ý định này trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Bangkok (Thái Lan).
Theo chuyên gia Soh Lin Sin tại Công ty Chứng khoán Phillip Capital (Singapore), sở hữu cổ phần chi phối tại Sabeco sẽ là bước tiến quan trọng trong quá trình mở rộng tại thị trường ASEAN của ThaiBev. Mức lợi nhuận và cổ tức cao đều đặn của Sabeco cũng sẽ giúp ThaiBev tăng trưởng doanh thu đáng kể. Vì thế, công ty này sẽ rất quyết tâm tham gia đợt thoái vốn sắp tới của Bộ Công thương.
Trong ngành nhựa, Nawaplastics Industries (Saraburi) Co Ltd, một công ty con thuộc Tập đoàn Xi măng Siam (SCG), cũng được dự đoán sẽ “thâu tóm” Nhựa Bình Minh sau khi doanh nghiệp này quyết định nới trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% vào cuối tháng 9 vừa qua. Mới đây, Nawaplastics đã vừa thoái vốn tại Nhựa Tiền Phong.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Kelvin Tan, Tổng giám đốc HSBC (Thái Lan) cho biết, nhà đầu tư Thái sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam vì họ nhận định, Việt Nam đang đi theo con đường phát triển của Thái Lan vài thập niên trước: có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng “chịu chi”.
“Nhà đầu tư Thái yêu thích ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống vì thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam đang phát triển rất tốt. Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi và chi phí sản xuất thấp, rất thích hợp để phát triển ngành sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả khu vực ASEAN,” ông Kelvin chia sẻ.
Thâu tóm hay hợp tác?
Ông Seck Yee Chung, luật sư tại Công ty Luật Baker & McKenzie cho biết, các nhà đầu tư Thái Lan nhận ra ngành sản xuất của Việt Nam không còn quá phụ thuộc vào chi phí lao động thấp và xuất khẩu như trước đây, khi thị trường tiêu dùng nội địa đang phát triển mạnh. Điều này khiến các nhà đầu tư Thái sẵn sàng “chi bạo” để mua lại các doanh nghiệp nội có thương hiệu tốt và hệ thống phân phối mạnh.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 vừa qua, các chuyên gia kinh tế cũng đã nhấn mạnh chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của người Thái. Với lợi thế nguồn vốn rẻ và dồi dào nhờ lãi suất ngân hàng thấp, các doanh nghiệp Thái Lan sẵn sàng mua đứt một doanh nghiệp Việt mà họ thấy có tiềm năng phát triển tốt. Bên cạnh đó, quá trình từ tìm hiểu tới quyết định M&A của nhà đầu tư xứ sở chùa Vàng diễn ra khá nhanh so với các nhà đầu tư ngoại khác trong khu vực như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Trong năm 2016, thị trường đã nhiều phen xôn xao bởi các thương vụ tỷ USD của nhà đầu tư Thái, điển hình như Central Group mua lại Big C, Singha hợp tác chiến lược với Masan và Siam City Cement sở hữu Holcim. Trước đó, TCC Group (cũng do tỷ phú Thái Charoen quản lý) đã chi 800 triệu USD để có được chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry.
Sự tấn công dồn dập này đã gây ra nhiều lo ngại về việc các tập đoàn Thái Lan sẽ “thâu tóm” thị trường Việt Nam và chèn ép thương hiệu nội. Tuy nhiên, theo ông Kelvin Tan, các nhà đầu tư Thái sẽ phải đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam và việc cạnh tranh giữa các nhãn hàng Thái và Việt sẽ giúp doanh nghiệp hai nước cùng tiến bộ, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng trong nước.
“Các nhà đầu tư Thái thường kiên nhẫn và thấu hiểu rằng, việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Việt Nam đôi lúc sẽ chậm hơn dự kiến, vì bản thân Thái Lan cũng từng trải qua giai đoạn này. Tôi tin rằng, các nhà đầu tư Thái sẽ đặt tiêu chí hợp tác với doanh nghiệp Việt lên hàng đầu khi tham gia thoái vốn và M&A, thay vì mục tiêu “thâu tóm” như nhiều người lo ngại”, ông Kelvin cho biết.